Quoc Huy VNCH
Quốc Huy Việt Nam Cộng Hòa


MỤC LỤC:

-------pb -------

 

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

-----o0o-----

Các Bài Nên Đọc

• Kính mời ghi danh vào Hội Ðồng Cố Vấn.

• Làm hay không làm chính trị? Lê Trọng Quát.

• Kháng thư gửi Tập Cận Bình,LS Lê Trọng Quát.

• Hãy trả lại sự thật cho người lính VNCH!

• Tiểu sử Luật Sư LÊ TRỌNG QUÁT.

• THÔNG ĐIỆP gửi Quân Đội và Công An Nhân Dân.

• Gs LÊ NGUYỄN CÔNG TÂM: THỈNH NGUYỆN THƯ ĐẾN TT DONALD TRUMP.

• LS LÊ TRỌNG QUÁT: VAI TRÒ CỦA CPPĐ VNCH.

• PHỎNG VẤN LIVE VỚI LS LÊ TRỌNG QUÁT NGÀY 22/11/2017.

• Thư gửi Tổng Thống D. Trump, Thủ Tướng CPPĐ VNCH.

• Tại sao CPPDVNCH ra đời quá trễ ? Trần Long.

• Sắc lệnh của Tổng-Thống VNCH.

• Sắc Lệnh Bổ Nhiệm 2-7-2018

• Sắc Lệnh Bổ Nhiệm 16-9-2019

• Thảm Sát Mậu Thân: Tội Ác Việt Cộng.

• Thông Tư ngày 17-8-2018. Thủ tướng LTQ.

• CHÍNH PHỦ CPPĐ VNCH ĐÃ LÀM GÌ CHO DÂN TỘC.

• AI ĐÃ XÉ HIỆP ĐỊNH GENEVE 1954.

• THẾ GIỚI BIẾN LOẠN, CƠ HỘI CHO VIỆT NAM.

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

 

Chào mừng Quý vị đến với trang web
Việt Nam Cộng Hòa Pháp Ðịnh !

Trang Bình Luận

--------o0o--------

Tiếp lời ông Lê Hiếu Đằng (Nghiêm Văn Thạch)

Posted By Chinh Luan on 16 tháng tám 2013 | 21:19

Nghiêm Văn Thạch (Thông Luận) - Người ta không bao giờ ước lượng đúng được sự thù ghét của nhân dân đối với chế độ cộng sản. Những người dân chủ chắc chắn sẽ thắng nếu xây dựng với nhau một tập hợp dân tộc mới qui tụ tất cả những người dân chủ thuộc mọi quá khứ chính trị. Đó là niềm tin từ hơn 30 năm qua của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà tôi hân hạnh là thành viên.

Tôi vốn sẵn có cảm tình với ông Lê Hiếu Đằng. Trong những vị mà tôi tạm gọi là "trí thức dân chủ trong nước" ông Lê Hiếu Đằng là một trong những người mà tôi ưa đọc nhất. Theo nhận xét của tôi ông là người nói thẳng nhất, dù tôi vẫn có cảm tưởng rằng ông vẫn còn giữ gìn, chưa nói hết những điều mình nghĩ. Bài "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…" của ông, do ông Nguyễn Huệ Chi biên tập khác ở chỗ nó khiến tôi nghĩ rằng lần này ông đã viết hết những điều mình nghĩ. Hoan hô ông Lê Hiếu Đằng và hoan hô cả ông Nguyễn Huệ Chi người đã biên tập và phổ biến bài này.

Lý do khiến tôi thích bài này nhất trong những bài của ông Lê Hiếu Đằng, và trong số tất cả những bài viết gần đây của trí thức trong nước, nằm ngay trong lời giới thiệu của ông Nguyễn Huệ Chi : bài này là "một lời tuyên ngôn chắc nịch về con đường nhất thiết phải đi để đưa dân tộc thoát khỏi (..) một cái ách cực kỳ phi lý (…) Hãy hất nó xuống khe vực để đứng thẳng dậy, sánh bước cùng nhân loại văn minh."

Một độc giả Thông Luận, ông Hữu Văn, đã nhận định bài này là một đột phá về tư tưởng. Tôi chỉ đồng ý một phần. Theo tôi nên gọi đây là một sự giác ngộ thì đúng hơn. Ông Lê Hiếu Đằng đã viết bài này sau khi nằm bệnh viện và xáp mặt với cái chết. Tôi biết ông Đằng đã ngoài 70 và tôi còn hơn ông Đằng trên một con giáp để đã có nhiều cơ hội hiểu rằng ở vào tuổi đó mỗi khi phải vào bệnh viện người ta đều có cảm nghĩ lần này có khả năng mình sẽ từ giã tất cả trên cõi đời này. Những lúc đó mình mới thấy rằng câu hỏi duy nhất đáng được đặt ra là mình đã dám sống thật với mình chưa. Cuộc đời mình có ý nghĩa gì hay không hoàn toàn ở cách mà mình tự trả lời mình, ngoài ra tất cả đều chỉ là phù phiếm. Tôi tin rằng ông Đằng vừa trải qua một lúc như thế và vì thế bài này của ông đã vượt trội hơn những bài khác.

Tôi rất nể phục ông Lê Hiếu Đằng ở chỗ ông đã kể lại quá trình tham gia và hoạt động trong đảng cộng sản một cách bộc trực. Tại sao không ? Chúng ta chẳng có gì để phải giấu giếm che đậy cả. Giai đoạn lịch sử vừa qua đã là một giai đoạn rất đau thương trong đó người những người Việt Nam có chút đầu óc đã chỉ có những chọn lựa buồn giữa một cái dở và một cái mà một cách chủ quan chúng ta cho là còn dở hơn. Để rồi sau cùng tất cả đều thất vọng, kẻ thì thất bại đi tù cải tạo hay đào thoát ra nước ngoài, hay bị gạt ra ngoài lề xã hội, kẻ thì tỉnh mộng nhận ra là mình đã chỉ đóng góp cho một công trình đập phá đất nước. Chẳng có ai có tư cách để bắt lỗi ai. Tất cả chúng ta đều bẽ bàng như nhau. Dĩ nhiên cũng có những người khôn lanh biết họ muốn gì và đang thỏa mãn nhưng tôi không muốn nói tới họ trong bài này, tôi chỉ muốn nói về những người còn khắc khoải với tương lai đất nước.

Không những nể phục mà tôi còn tán thành ông Lê Hiếu Đằng khi ông nhận định : "hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề trước đây. Nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới". Cuộc chiến đấu mới đó theo ông Đằng là để "thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập : lập pháp, hiến pháp, tư pháp độc lập". Tôi cũng hoàn toàn tán thành. Bởi vậy những gì tôi nói sau đây là thảo luận với một người cùng chí hướng trong tinh thần đóng góp cho mục đích chung.

Chính vì đồng ý với ông Đằng là "chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề" mà tôi phân vân khi ông quả quyết : "trước mắt là hành động, hành động và hành động". Cach phát biểu này bày tỏ quyết tâm, nhưng hành động với ai, như thế nào, theo tiến trình nào ? Tôi nghĩ là còn nhiều vấn đề phải thảo luận để đi đến kết luận chung đúng đắn chứ không phải chỉ giản dị là hành động, hành động và hành động. Vấn đề trước hết là phải cảnh giác với những điều mà chúng ta cho là hiển nhiên.

Một trong những vấn đề mà nhiều trí thức xuất thân từ hàng ngũ cộng sản cho là hiển nhiên là chỉ có họ mới có khả năng thực hiện cuộc chuyển hóa về dân chủ. Tôi còn nhớ trước đây, vào cuối năm 2010, đã có một hội thảo của các chuyên gia và nhân sĩ hàng đầu của chế độ có tiếng là cởi mở để đóng góp cho cương lĩnh của đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng Sản Việt Nam do ông Trần Phương chủ trì tại Hà Nội. Hội nghị này đã có những phê phán rất gay gắt đối với chế độ. Có vị nói thẳng chủ nghĩa Mác-Lenin đã sai bét rồi, có vị chất vấn về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản : "ai cho anh lãnh đạo ?", có vị nói thẳng : "không lừa được người ta mãi đâu !". Đúng là một cuộc hội thảo bộc trực và tâm huyết hiếm có trong chế độ. Một số đông đảo các vị này cũng là những vị mà ông Lê Hiếu Đằng nêu tên như là những khuôn mặt quí báu của đất nước hiện nay.

Một chi tiết ít ai lưu ý là bà Dương Thị Thu Hương, nguyên phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, đã nói trong hội thảo này rằng các nhân sĩ trong nước chỉ cần thảo luận với nhau chứ còn "những thằng ở nước ngoài chúng nó nói gì cứ kệ chúng nó". Tôi không hiểu "những thằng ở nước ngoài" như tôi đã làm gì để xứng đáng với một sự thù ghét khinh bỉ như thế. Điều đáng lưu ý là đã không có vị nhân sĩ nào trong hội nghị phiền lòng vì câu phát biểu cao ngạo này.

Hình như chính ông Lê Hiếu Đằng cũng chia sẻ quan điểm cho rằng cuộc vận động dân chủ phải hoàn toàn do những người cộng sản cũ chủ xướng khi ông viết : "Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi đảng và thành lập một đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội (…)".

Dù rất tán thành thái độ dũng cảm thẳng thắn quay lưng lại với đảng cộng sản tôi cũng thấy phải đặt câu hỏi tại sao lại chỉ có những đảng viên cộng sản cũ trong đảng Dân Chủ Xã Hội mà ông Lê Hiếu Đằng muốn thành lập ?

Tôi là một người chống đối với đảng và chủ nghĩa cộng sản từ rất lâu. Tôi có thể chất vấn các vị cho rằng cuộc cách mạng dân chủ phải hoàn toàn do những người cộng sản cũ chủ xướng rằng họ nhân danh cái gì để nghĩ như thế. Phải chăng là vì họ có ý thức dân chủ rõ rệt hơn chúng tôi ? Hay là vì họ có kinh nghiệm dân chủ hơn ? Hay họ có quyết tâm đấu tranh cho dân chủ hơn ? v.v. Nếu thực sự có cuộc tranh luận xem ai có tư cách và thẩm quyền để đấu tranh cho dân chủ hơn ai thì sẽ phức tạp lắm chứ không hiển nhiên chút nào đâu. Nhưng vấn đề thực sự cần được ý thức thật rõ rệt là một kết hợp chỉ gồm những người cộng sản cũ hay chỉ gồm những người xuất phát từ chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây là một kết hợp vô vọng ngay từ đầu. Một lý do là họ sẽ chỉ qui tụ được những người gắn bó với quá khứ thay vì hướng về tương lại, nghĩa là một thiểu số không đáng kể. Một lý do khác là kinh nghiệm cho thấy không bao giờ có một kết hợp chỉ gồm những người trong nội bộ một tổ chức có thể thay đổi được tổ chức đó ; trái lại chính họ sẽ bịđè bẹp. Xin gợi ý các vị đọc một bài giải thích lý do này nhân dịp viện IDS giải thể ; một số đông thành viên IDS là những người mà ông Lê Hiếu Đằng đặt kỳ vọng (1).

Định kiến của các trí thức xuất phát từ chế độ cộng sản -theo đó cuộc vận động dân chủ phải chỉ do những người cộng sản- có thể có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do giáo dục và đào tạo trong nội bộ đảng họ được huấn luyện để không nhìn những người chống cộng như là đồng bào và anh em, di sản của tâm lý đó là họ vẫn còn nhìn những người chống chế độ với con mắt xa lạ. Cũng có thể là vì dù sao tâm lý chiến thắng sau ngày 30-4-1975 vẫn còn trong tiềm thức và khiến họ vẫn thấy mình thuộc "bên thắng cuộc" hơn hẳn những kẻ thuộc "bên thua cuộc". Nhưng đó là những lý do chỉ tồn tại trong tiềm thức khi mình không ý thức được là chúng còn tồn tại, chỉ cần nói ra là chúng tan biến ngay.

Quan trọng hơn là nỗi sợ. Phát biểu những trăn trở cá nhân hoặc giao du với bạn bè trong chế độ thì còn được dung túng chứ bắt tay với bọn chống đối thực sự là điều đảng không tha. Và nhiều người sợ. Sợ bị mất sổ lương hưu hay cái nhà hóa giá, sợ bị vu cáo, sợ cho người thân v.v. Nhưng tôi chắc ông Lê Hiếu Đằng không có nỗi sợ đó, ít nhất là từ nay bởi vì ông đã quả quyết : "Trước mắt là phải “chấn dân khí” để không còn sợ hãi các thế lực tàn bạo, không sợ bắt bớ, tù đày". Vậy còn lý do nào khiến ông còn ngần ngại bắt tay với những người dân chủ ngoài đảng và nhà nước cộng sản?

Tôi thấy còn một lý do khác và trên điểm này tôi cũng muốn góp ý. Ông Đằng viết : "tôi nghĩ trong một thời gian dài đảng cộng sản sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được". Như vậy thì mục đích của cuộc đấu tranh dũng cảm này chỉ là để khiến đảng cộng sản cải tiến cách cai trị đất nước ?

Tôi nghĩ rằng chúng ta không cần phải khiêm tốn như vậy đâu. Nếu có một lực lượng dân chủ thực sự thì đánh bại đảng cộng sản không khó. Cuối thập niên 1980 khi phong trào dân chủ dâng lên tại Liên Xô và Đông Âu nhiều người, trong đó có Soljenitsyne, tuyên bố rằng ngay cả nếu có bầu cử tự do thì các đảng cộng sản cũng vẫn sẽ thắng, đối lập chỉ có hy vọng trong những cuộc bầu cử sau đó. Sự thực đã như thế nào ? Trong cuộc bầu củ tự do đầu tiên tại Liên Xô do chính Gorbachev tổ chức đảng cộng sản Liên Xô đã chỉ được 7%. Tại Ba Lan đảng cộng sản không được một ghế nào cả, công đoàn Solidarnosc chiếm được toàn bộ số ghế, đến nỗi tướng Jaruzelski phải chua chát thốt lên : "Nếu lấy nhãn Solidarnosc dán lên đầu một con bò thì con bò cũng đắc cử". Và đó là những đảng cộng sản không đến nỗi quá mất lòng dân như Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Người ta không bao giờ ước lượng đúng được sự thù ghét của nhân dân đối với chế độ cộng sản. Những người dân chủ chắc chắn sẽ thắng nếu xây dựng với nhau một tập hợp dân tộc mới qui tụ tất cả những người dân chủ thuộc mọi quá khứ chính trị. Đó là niềm tin từ hơn 30 năm qua của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà tôi hân hạnh là thành viên.

Vậy thì những người dân chủ như ông Lê Hiếu Đằng và ông Nguyễn Huệ Chi còn ngần ngại gì mà không nắm lấy những bàn tay đang chìa ra từ ngoài đảng cộng sản ?

Nghiêm Văn Thạch

___________________

(1). IDS : nhân nghe một tiếng kêu ai oán - Nguyễn Gia Kiểng - Thông Luận số 240 , 10-2009

Lê Hiếu Đằng - Những điều nói rõ thêm...

Posted By Chinh Luan on 19 tháng tám 2013 | 11:17

Lê Hiếu Đằng (BVN) - Sau khi bài viết "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh"của tôi và bài viết "Phá xiềng" của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận đăng tải trên các trang mạng, một số bạn bè, đồng đội, nhân sĩ trí thức, nhà báo..., hoặc qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp tôi đặt một số vấn đề, khiến tôi thấy cần làm rõ thêm về những suy nghĩ của mình.

Trong tình hình đặc biệt cần có những biện pháp đặc biệt, những liệu pháp “sốc” để đẩy nhanh quá trình phát triển theo chiều hướng dân chủ, tiến bộ để hội nhập thực sự vào dòng chảy hiện nay trên thế giới.

Tôi còn nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói ý này trong một cuộc gặp gỡ với một số nhân sĩ, trí thức và anh em trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh trước năm 1975, được thường xuyên tổ chức vào ngày 30 tháng 4 hàng năm – ngày mà theo cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “có triệu người vui, có triệu người buồn”.

Thế thì tình hình đặc biệt hiện nay là gì? Có thể nói một cách khái quát là Việt Nam đang rơi vào một cuộc tổng khủng hoảng sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lãnh vực mà nhiều chuyên gia, nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo trong cũng như ở nước ngoài đã phân tích. Tôi chỉ xin nêu một số tình hình sau đây.

Nền kinh tế của chúng ta đang trên bờ vực thẳm do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu là do sự lãnh đạo và điều hành yếu kém của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, những tập đoàn, những nhóm lợi ích đang càng ngày lũng đoạn, chi phối nhà nước một cách nghiêm trọng; tệ nạn tham nhũng, lãng phí tràn lan không thể nào ngăn chận, làm thất thoát không biết bao nhiêu của cải, tài sản của nhân dân. Về vấn đề này, nhiều bài báo, nhiều phát biểu của các chuyên gia kinh tế trong nước và ở nước ngoài đã phân tích một cách sâu sắc với những cứ liệu cụ thể, tôi không nói gì thêm.

Đạo đức xã hội, trong đó những giá trị truyền thống của dân tộc, của gia đình bị xoáy mòn dữ dội trước lối sống thực dụng, giả dối, chạy theo chức vụ, đồng tiền của đông đảo cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân. Đặc biệt hai lãnh vực liên quan đến sự hình thành nhân cách và thể chất con người là giáo dục và y tế ngày càng bị thương mại hóa một cách tàn nhẫn, nên đã xuống cấp nghiêm trọng và toàn diện, không phương cứu chữa.

Sự phân hóa xã hội giàu nghèo ngày càng dữ dội. Một bộ phận nhỏ giàu lên nhờ tham nhũng, buôn lậu, mua quan bán tước. Còn đại bộ phận nhân dân, nhất là nông dân, công nhân, những người lao động, cuộc sống vô cùng khó khăn, mất đất mất nhà, phải ly hương khắp nơi, đôi lúc phải cho con em đi lao động nước ngoài như một lối thoát cho gia đình. Thậm chí một số nữ thanh niên rơi vào những địa ngục lao động tình dục đầy thương tâm, mất đi phẩm giá, danh dự của những công dân Việt Nam mà nhà nước phải có trách nhiệm bảo hộ.

Đảng Cộng sản Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về lý luận và đường lối nghiêm trọng, với một nền “chính trị cường quyền” – chữ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ám chỉ đường lối chính trị của Trung Quốc hiện nay nhưng đau xót thay, lại được áp dụng triệt để cho nhân dân Việt Nam. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng xa dân, mất lòng dân, không có khả năng tự điều chỉnh, thay đổi. Với kinh nghiệm của một người hoạt động trong hệ thống chính trị hiện nay dưới sự lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều năm, tôi xin chứng minh khả năng tự điều chỉnh, thay đổi của Đảng Cộng sản Việt Nam là không có, hoặc nếu có thì phải có những điều kiện nhất định.

- Lúc tôi còn là Phó Chủ tịch thường trực và là Ủy viên Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, có buổi làm việc với ông Lê Quang Đạo, lúc đó là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Phạm Văn Kiết (Năm Vận), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Mặt trận Trung ương. Trong cuộc họp, hai ông đặt vấn đề: Trong hệ thống chính trị hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức chính trị xã hội rộng lớn bao gồm nhiều giai cấp, nhiều tôn giáo, dân tộc (theo điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cần phải giữ vai trò “đối trọng” để giám sát chính quyền, ngăn chận khuynh hướng độc đoán, bè phái, tham nhũng. Hai vị nói rất say sưa về vấn đề này. Tôi và các vị trong Đảng đoàn và Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM rất phấn khích, đồng tình. Nhưng một thời gian sau, được biết chủ trương về vai trò “đối trọng” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bị phê phán kịch liệt và có lệnh không được phép nhắc lại nữa. Ông Lê Quang Đạo cũng được cho về nghỉ vì đã dám có chủ trương nói trên.

- Cách đây vài năm, lúc ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng có một đề án “Về vai trò giám sát và phản biện xã hội Việt Nam” gởi qua Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đề án này cũng bị xếp xó cùng với luật lập hội...

- Gần đây nhất là qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đề nghị 7 điểm và bản dự thảo một hiến pháp mới, Hiến pháp năm 2013 của 72 nhân sĩ trí thức của cả nước đã được hàng vạn người ký tên đồng tình ủng hộ và những ý kiến có thể gọi là “tiến bộ” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng chính phủ đều bị lờ đi và dự thảo lần thứ tư trình trước Quốc hội vừa rồi có những điều còn lạc hậu thụt lùi hơn cả Hiến pháp năm 1992, nhất là quyền sở hữu đất đai, vấn đề lực lượng vũ trang. Về bản dự thảo lần thứ tư này, 40 vị nhân sĩ trí thức đã ra tuyên bố phê phán thẳng thừng, không còn nói một cách tế nhị như trong đề nghị 7 điểm, mà nói thẳng phải bỏ điều 4 Hiến pháp, phải thực hiện chủ trương đa nguyên đa đảng, phải thay đổi thể chế, v.v. Phải nói đây là những ý kiến quyết liệt nhất từ trước đến giờ của các nhân sĩ trí thức trong cả nước. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không nghe, như trước đây họ đã không nghe những ý kiến tiến bộ và rất xây dựng của những người đã từng đảm đương những trọng trách trong Đảng và nhà nước như Trung tướng Trần Độ, Trung tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, và nhiều người nữa. Họ dùng phương châm làm ngơ, không nghe, không thấy để tiếp tục củng cố Đảng, ngỏ hầu “một mình một chợ” muốn làm gì thì làm, đưa đất nước đến bờ vực thẳm.

- Ngoài những sự kiện trên, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam là tạo ra một tầng lớp cán bộ, một loại “giai cấp mới” với nhiều đặc quyền đặc lợi để vì lợi ích cá nhân và gia đình mà sống chết bảo vệ chế độ. Chủ trương phát triển Đảng trong trường học là minh chứng cho việc này. Cho phát triển Đảng trong các trường trung học, đại học sẽ phá vỡ môi trường sư phạm, làm xấu đi quan hệ giữa thầy và trò. Trong một trường học, một lớp học thầy ngoài Đảng còn trò là đảng viên thì còn thể thống gì trong quan hệ giữa thầy và trò. Đoàn Thanh niên Cộng sản là lực lượng “kềm kẹp” học sinh sinh viên mà việc một số sinh viên trường Đại học Luật lập blog “Bảo vệ công lý cho Đoàn Văn Vươn” bị Đoàn Thanh niên Cộng sản của trường này dùng nhiều biện pháp ngăn cản, đe dọa là một ví dụ. Hoặc hiện nay con đường tiến thân của thanh niên để leo nên những nấc thang quyền lực, nấc thang xã hội là về phường xã công tác, vo tròn, luồn cúi, vân vân, dạ dạ để được kết nạp vào Đảng – bước đầu tiên để họ tiến thân vào nấc thang danh vọng. Họ biết rằng trong chế độ hiện nay không đảng viên là không được cất nhắc đảm nhận những chức vụ quan trọng cho họ có quyền hành để nhận quà cáp, hối lộ. Nhiều quan chức giữ vai trò chủ chốt trong chính quyền của TP HCM hiện nay là từ con đường này mà đi lên. Vì vậy trình độ của họ rất kém, thiếu hẳn văn hóa cơ bản, chẳng biết gì về xã hội nhân sự, xã hội công dân, tuyên ngôn Nhân Quyền và các nền văn hóa, triết học của thế giới, nền tảng của tri thức nhân loại hiện nay.

- Điều nghiêm trọng hiện nay là nền Độc lập Dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ mà đồng bào, chiến sĩ chúng ta qua nhiều thế hệ đã hy sinh biết bao xương máu mới giành lấy được, nay bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhà cầm quyền Bắc Kinh mà bản chất bành trướng, xâm lược không hề thay đổi. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhượng bộ nhiều trong hội nghị Thành Đô năm 1990. Đây là cơ sở cho chánh quyền Bắc Kinh mưu toan độc chiếm Biển Đông, thực tế là đã chiếm hẳn Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta và nay vẫn tiếp tục ngang ngược bắt bớ, truy đuổi cướp bóc ngư dân của chúng ta đang đánh bắt trong những ngư trường truyền thống. Thật là khó hiểu khi Đảng và nhà nước Việt Nam cho Trung Quốc triển khai lực lượng, tuy gọi là dân sự dưới chiêu bài các dự án kinh tế, ở các vùng chiến lược trọng điểm như Tây Nguyên, các vùng rừng núi phía Bắc, miền Trung và đến cả Cà Mau của đồng bằng sông Cửu Long. Họ biến những khu vực đó thành vùng riêng của họ, không cho người Việt Nam bén mảng vào. Một khi có biến, “đạo quân thứ 5” này sẽ là một lực lượng làm chúng ta không kịp trở tay mà kinh nghiệm trong những ngày đầu cuộc xâm lược của bành trướng Bắc Kinh năm 1979 ở các tỉnh biên giới phía Bắc là những kinh nghiệm đầy máu và nước mắt của cán chiến sĩ, đồng bào ta. Càng khó hiểu hơn khi Đảng và nhà nước Việt Nam lại cấm hoặc lờ đi trong một thời gian rất dài việc tổ chức các ngày tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc này.

Những điều nêu trên chứng minh rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã không còn là đảng cách mạng như trước đây nữa, mà đang trở thành yếu tố ngăn cản sự phát triển của đất nước, đưa đất nước chúng ta vào một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện chưa có lối ra. Gần 40 năm là thời gian quá đủ cho một nước “cất cánh” như các nước trong khu vực. Chủ trương đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản và chủ nghĩa lý lịch cùng với việc không thực tâm thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, làm hạn chế sức mạnh đoàn kết dân tộc, một yếu tố cực kỳ quan trọng để phát triển đất nước cũng như để chống lại sự bành trướng của bọn xâm lược Bắc Kinh. Tôi và nhiều bạn bè đồng đội khác cho rằng nguyên nhân chính là vai trò độc đảng của Đảng Cộng sản, không có những lực lượng xã hội khác thực sự làm đối lập, đối trọng để giám sát, ngăn chận sự lạm quyền, lộng quyền và các chủ trương chính sách của Đảng Cộng sản đi ngược lại lợi ích của quần chúng, của đất nước. Vì vậy đã đến lúc phải đẩy mạnh sự phát triển của xã hội dân sự, xã hội công dân, trong đó có các tổ chức chính trị độc lập và cùng tồn tại với Đảng Cộng sản và đấu tranh qua các cuộc bầu cử công khai hợp pháp có sự quan sát của quốc tế. Sự ra đời của Đảng Dân chủ Xã hội hay một đảng hợp pháp nào đó là lẽ đương nhiên, phù hợp với sự phát triển hiện nay của một nước dân chủ thực sự. Đây là biện pháp đặc biệt để giải quyết một tình hình đặc biệt dù cho có gây “sốc” đối với đảng cầm quyền hiện nay. Việc rời bỏ hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam của nhiều đảng viên vừa qua cũng như hiện nay là để không còn ràng buộc gì nữa với 19 điều cấm đảng viên, tước đoạt một số quyền công dân cơ bản, mà Đảng Cộng sản đã tùy tiện đặt ra, để trở thành những công dân tự do.

Sau năm 1975 trong giới công giáo có một bài hát rất hay “Trước khi là người công giáo tôi đã là người Việt Nam”. Trước khi trở thành đảng viên Cộng sản, chúng tôi là người Việt Nam. Dù quá khứ như thế nào, khuynh hướng ra sao, chúng ta đều là người Việt Nam, đều có chung một mục đích là đấu tranh để xây dựng một nước VIỆT NAM ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC.

Vậy tình hình đã chín muồi để đặt vấn đề này chưa? Một số người đặt vấn đề với tôi như vậy. Tôi và nhiều người nữa thấy tình hình đã chín muồi, khẩn cấp lắm rồi, nếu không tích cực giải quyết thì Việt Nam sẽ rơi vào cuộc tổng khủng hoảng triền miên, không loại trừ nguy cơ sụp đổ, nhất là trước áp lực ngày càng nặng nề của Trung Quốc, một nước láng giềng rất tráo trở, muốn biến nước ta thành một bộ phận, hoàn toàn phụ thuộc họ. Đây là nguy cơ thực sự.

Còn giải thiết rằng tình hình chưa chín muồi thì lại càng phải đấu tranh để nhanh chóng thay đổi thể chế, từ chế độ độc tài toàn trị sang chế độ Dân chủ Cộng hòa, phát triển xã hội dân chủ, xã hội công dân với những lực lượng chính trị độc lập để qui tụ quần chúng ngõ hầu đấu tranh kềm chế, giám sát đảng cầm quyền một cách có hiệu quả. Nếu chưa chín muồi thì chúng ta chủ động làm cho nó chín muồi, chứ chẳng lẽ khoanh tay thụ động ngồi chờ cho nó chín muồi sao? Không thể có thái độ ngồi chờ sung rụng như vậy được. Chúng ta đã ngủ một giấc ngủ dài, làm ngơ trước những cái ác, cái xấu, cái bất công. Trước nỗi khổ của những người dân mất tự do, mất nhà, mất đất, chúng ta phải thức tỉnh, không thể chần chừ được nữa. Để đất nước rơi vào tình hình hiện nay có phần trách nhiệm của giới “sĩ phu”. Vậy đã đến lúc giới sĩ phu trong cả nước phải lãnh trách nhiệm đứng lên, dõng dạc và hiên ngang đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Chẳng lẽ chúng ta không thấy xấu hổ trước tấm gương sinh viên Phương Uyên, người con gái 21 tuổi trong phiên xử của tòa án phúc thẩm tại Long An vừa qua hay sao? Trước áp lực của xã hội, của quần chúng, tòa án phúc thẩm buộc phải xem xét lại bản án và Phương Uyên được trả tự do ngay tại tòa. Đây là một kết quả ngoạn mục, ít ai nghĩ đến. Nếu chúng ta cứ thụ động ngồi chờ cho tình hình chín muồi thì chắn hẳn bản án sẽ khác đi. Bất cứ cuộc đấu tranh nào, qui luật chung là đều có những “đột phát khẩu” để phá rào cho quần chúng tiến lên. Sẽ có hy sinh mất mát nhưng chúng ta phải chấp nhận.

Một vấn đề nữa là quá trình ra đời và phát triển một tổ chức chính trị, kể cả một đảng chính trị, không thể một ngày một bữa mà có ngay.

Đọc bài viết Phá xiềng của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, nhiều người hỏi là Đảng Dân chủ Xã hội đã có trên thực tế chưa. Thực ra bài viết của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận chỉ nêu ra một ý tưởng để mọi người cùng suy nghĩ. Chứ thực ra việc thành lập một tổ chức chính trị nào, kể cả Đảng Dân chủ Xã hội, đều phải theo một qui trình nhất định. Chúng ta chủ trương đây là một việc làm công khai, hợp pháp nên trước tiên phải thành lập một ban vận động để sơ thảo cương lĩnh, điều lệ để có cơ sở cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tổ chức này như thế nào, đường hướng ra sao để ủng hộ hoặc không ủng hộ và cũng là cơ sở khi đăng ký với chánh quyền để họ xem đây có phải là một tổ chức khủng bố, phản động, như ngôn ngữ hiện nay họ thường dùng, hay không hay đây là một tổ chức có đường hướng tuy khác với Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng không có gì đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc, có thể cùng song song tồn tại với Đảng Cộng sản và các tổ chức chính trị khác. Chủ trương của chúng ta là hòa bất bạo động, chống lại các hành động quá khích, khủng bố, vũ trang lật đổ. Chúng tôi tin rằng việc làm đúng đắn của chúng ta sẽ được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp quần chúng, tuy bây giờ là đa số “thầm lặng”, những đến một lúc nào đó có điều kiện sẽ trở thành một lực lượng đấu tranh hùng hậu để xây dựng một nước VIỆT NAM HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT, TIẾN BỘ XÃ HỘI VÀ VĂN MINH, một khát vọng sâu xa mà nhiều thế hệ cha ông chúng ta đã mơ ước.

Cho nên đây là một quá trình vận động. Hiện nay chúng ta đang trong quá trình vận động.

Những điều tôi viết trong bài này cũng như bài "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh" là lời tâm huyết mà tôi đem cả tim óc để bộc bạch cho bạn bè, đồng đội và những người đã cùng nhau chiến đấu trước hoặc hiện nay, cũng như những người chưa quen biết trong và ngoài nước. Bệnh tôi chưa biết sẽ diễn biến ra sao, nhưng tôi hạnh phúc được nhiều người – kể cả có vị lãnh đạo cao của Đảng, Nhà nước – thăm hỏi, chăm sóc, có người còn cho những loại thuốc quý. Trong tình hình bất an hiện nay, nếu biết đâu tôi bị một tai nạn nào đó thì xin mọi người xem đây như những gì tôi để lại cho những người thân trong gia đình, những người mà tôi thương yêu, cho bạn bè, đồng đội và cho đời. Đó là tâm nguyện của tôi, rất mong mọi người hiểu cho.

Sài Gòn, ngày 18 tháng 8 năm 2013

Lê Hiếu Đằng

Nghiêm Văn Thạch

----------o0o-----------